Bản Cát Cát Sa Pa – ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc

Chẳng biết từ bao giờ, Bản Cát Cát đã trở thành địa điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đến phố núi Sapa. Bản Cát Cát là một làng dân tộc H’Mông thuộc xã Hoàng Liên, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai.

Tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào người dân tộc H’Mông. So với các bản làng khác như Tả Van, Tả Phìn thì Cát Cát là bản làng gần thị trấn Sapa nhất, cách trung tâm thị trấn Sapa chỉ 3km, bản Cát Cát thu hút rất đông khách đến tham quan.

Sở dĩ bản có tên Cát Cát bởi vì đầu thế kỉ XX, người Pháp phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt vời của nơi đây và chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao. Người Pháp đặt tên cho nơi đây là Cát Cát bởi trong bản có một thác nước rất đẹp được đặt tên tiếng Pháp là CatScat.

ban-cat-cat

Cát Cát được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc khi có nền văn hóa độc đáo, kiến trúc đặc trưng truyền thống, khung cảnh thơ mộng. Khi đến với bản Cát Cát, bất cứ du khách nào cũng đều bị ‘hớp hồn’ bởi vẻ đẹp yên bình, dường như đang e ấp giữa thiên nhiên đất trời bao la. Đến tham quan bản làng này, du khách không chỉ mê đắm với cảnh sắc thiên nhiên yên bình mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa đặc sắc của người dân tộc địa phương.

Mùa thu cũng là lúc những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc vàng óng màu lúa chín giữa tiết trời mát mẻ, dễ chịu, quyến rũ bao tâm hồn lữ khách. Giữa khung cảnh thiên nhiên mộc mạc đó, có một bản làng Cát Cát nhỏ xinh nhưng đầy cuốn hút ở Sapa. Với những nếp nhà gỗ của người H’Mông nằm len lỏi giữa thung lũng Mường Hoa, những con suối nhỏ, những guồng nước giã gạo hay những tấm thổ cẩm rực rỡ, bản Cát Cát như một bức tranh đơn sơ mà lộng lẫy, một tọa độ có đến 1001 điểm check-in tuyệt đẹp.

Năm 2020, thời báo SCMP của Hồng Kông đã gợi ý bản Cát Cát là một trong những ngôi làng đẹp nhất thế giới nên ghé thăm sau đại dịch Covid-19.

Người Mông tại bản Cát Cát ngoài công việc chính là trồng lúa, còn định hướng phát triển về các ngành nghề thủ công nghiệp. Trong đó có thể kể đến như dệt vải, đan lát, rèn công cụ, chế tác đồ trang sức bằng bạc… Ở hành trình khám phá ngôi làng này, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khu trưng bày sản phẩm thủ công với hệ thống sản phẩm tinh xảo. Nét đẹp văn hóa được người Mông bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Không chỉ thế, vào những ngày đầu năm, khách du lịch Cát Cát còn được tham gia vào lễ hội Gầu Tào, mục đích cầu phúc. Lễ hội lớn nhất của người Mông Sapa phản ánh chân thực đời sống văn hóa tâm linh.

Thời điểm lý tưởng để du lịch sapa, khám phá bản Cát Cát

Mỗi mùa trong năm, bản Cát Cát Sapa lại mang khoác trên mình tấm áo mới, thu hút khách du lịch bằng vẻ đẹp rất riêng. 

  • Vào mùa xuân, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh hoa đào, hoa mận nở rực rỡ xung quanh bản, vô cùng kiều diễm, đẹp đến động lòng người.
  • Mùa hạ, mùa của hoa cải vàng tươi tô điểm trên nền xanh ngắt của cây cỏ sẽ khiến bạn vô cùng thích thú.
  • Mùa thu khi những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ, tiết trời se lạnh và những dòng thác chảy cuộn quanh bản làng sẽ tạo nên một không gian thơ mộng, thu hút.
  • Mùa đông, bản Cát Cát đắm chìm trong băng giá và sương mờ. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để đến thăm quan bản Cát Cát, mây mù mờ ảo, phủ kín mọi không gian, cả một vùng trời tạo như chốn tiên cảnh giữa nhân gian.

Cách di chuyển đến Bản Cát Cát

Xe ôm

Du khách có thể dễ dàng thuê xe ôm từ trung tâm thị xa Sapa lên bản Cát Cát. Tại các địa điểm như trước cửa nhà thờ đá, bến xe luôn có rất nhiều xe ôm hoạt động. Chỉ mất khoảng 40,000đ/một chiều hoặc 70,000đ/hai chiều là bạn có thể đi đến bản Cát Cát. 

Thuê xe máy và tự di chuyển

Nếu bạn muốn được chủ động và thoải mái khám phá cung đường lên bản Cát Cát thì bạn nên thuê xe máy và tự di chuyển theo google map với giá từ 100,000 – 150,000/ngày với 2 lựa chọn là xe ga và xe số. Một lưu ý là nếu bạn còn có dự định đi tham quan các điểm khác nữa ở Sapa thì bạn nên chọn xe số vì sẽ phù hợp hơn khi đi đường núi. Với những bạn có tay lái cứng và đôi khi muốn dừng lại ven đường chụp ảnh khi bắt gặp cảnh đẹp thì thuê xe máy để tự di chuyển sẽ là phương tiện lý tưởng nhất. 

Lưu ý rằng, xe chỉ có thể đi đến đầu bản, nên bạn cần gửi xe để đi bộ vào bên trong. Giá gửi xe: là 5.000đ/chiếc

Thuê taxi hoặc xe điện

Nếu đi bản Cát Cát theo nhóm hoặc gia đình có trẻ nhỏ, người lớn tuổi thì bạn nên cân nhắc thuê taxi hoặc xe điện để tiện cho cả nhóm di chuyển. Bạn nên thỏa thuận riêng với tài xế để có được mức giá hợp lý. 

Thông thường, giá cước đi từ Sapa đến Cát Cát sẽ rơi vào khoảng 100.000đ/chuyến đối với xe 4 chỗ. Sapa hiện tại có khoảng 10 hãng taxi khác nhau, ví dụ như: Mai Linh, Fansipan, Bản Hồ, Xanh Sapa, v.v. Đối với xe điện, loại hình di chuyển này khá phổ biến ở khu du lịch Sapa, bạn có thể dễ dàng bắt gặp xe điện ở bất cứ đâu trong thị trấn. Giá cước xe điện sẽ tuỳ thuộc vào số lượng người nên bạn nên hỏi rõ giá trước khi sử dụng dịch vụ.

Đi bộ (trekking)

Nếu bạn có sức khỏe tốt, hãy thử chọn đi bộ đến bản Cát Cát. Đây là một cách rất hay để rèn luyện thể lực và tha hồ ngắm cảnh suốt dọc đường đi mà lại còn tiết kiệm. Bạn có thể dừng lại check in bất cứ điểm nào dọc đường đi. Cách di chuyển này thường được các bạn trẻ thích khám phá, đặc biệt là du khách “Tây balo” lựa chọn.

Bạn sẽ bị choáng ngợp bởi khung cảnh đất trời bao la, một bên là núi rừng trùng điệp, một bên là thung lũng Mường Hoa thơ mộng với những cánh đồng bậc thang bát ngát. 

Giá vé vào Bản Cát Cát

Bản Cát Cát được quy hoạch và quản lý dưới hình thức làng du lịch, nên có thu phí vào cổng như sau:

  • Người lớn: 70.000đ/người
  • Trẻ em: 30.000đ/người

Sau khi mua vé, bạn nên lấy tấm bản đồ bản Cát Cát tại quầy bán vé để có chỉ dẫn các điểm tham quan nổi tiếng và đường đi bên trong bản Cát Cát.

Trải nghiệm gì khi khám phá Bản Cát Cát

Khám phá bản làng H’Mông

Ngay cổng làng Khu du lịch Cát Cát, bạn thoả thích khám phá những nét đặc trưng văn hoá người bản địa, nơi đây lưu giữ nghề dệt vải thổ cẩm thủ công cũng như nghề trồng lanh, đan lát, thêu tranh và rèn nông cụ. Bạn có thể trải nghiệm thuê những bộ đồ sặc sỡ ở đây để mặc chụp ảnh. Ngoài ra, bản Cát Cát còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người H’Mông.

Một góc check in ở Bản Cát Cát (Nguồn: sưu tập)

Càng đi vào sâu trong làng, vẻ đẹp thiên nhiên của bản Cát Cát càng hiện ra rõ nét hơn, với ruộng bậc thang, những con suối nhỏ len lỏi quanh làng, thác nước, và cả những guồng nước khổng lồ.

Cũng giống như nhiều bản làng dân tộc miền núi khác, bản Cát Cát có những ngôi nhà sàn đơn sơ và mộc mạc với vật liệu đa phần bằng gỗ, được xây theo kiến trúc truyền thống đặc trưng của đồng bảo H’Mông. Chính điều này đã hấp dẫn du khách phương xa khi có dịp đến đây.

Đi trên con đường lát đá

Muốn đến được trung tâm làng Cát Cát, bạn sẽ phải đi qua một con đường lát đá nổi tiếng. Đây luôn là địa điểm check-in dành cho các tín đồ yêu thích chụp ảnh. Ở giữa là con đường lát đá, hai bên đường có các gian hàng nhỏ xinh bày bán đồ thổ cẩm, lưu niệm phong phú.

Hai bên đường là những gian hàng nhỏ bán đồ lưu niệm, và có cả dịch vụ cho thuê trang phục thổ cẩm và phụ kiện của người H’Mông để chụp ảnh nữa đó. Giá thuê trang phục khoảng 30.000 đến 50.000đ/bộ. Thử hóa thân thành những cô gái, chàng trai miền ngược đứng giữa đất trời Tây Bắc, chắc chắn sẽ “cháy máy” vì có quá nhiều cảnh đẹp cho bạn sáng tạo.

Check-in tại các địa điểm hấp dẫn

Cát Cát có rất nhiều địa điểm hấp dẫn để du khách khám phá, lưu giữ lại những khoảnh khắc hiếm có.

  • Quán cà phê ‘Nhà của Mị’ và ‘Nhà A Phủ’: Bản làng giữa núi rừng Tây Bắc này chính là quê hương của Mị và A Phủ trong tác phẩm văn học nổi tiếng. Vì thế, hai quán cafe này tượng trưng cho câu chuyện, tính cách nhân vật. Ở đó ý tưởng vẫn giữ nguyên bản sắc riêng, song có pha trộn chút hơi thở hiện đại cực kỳ thu thút.
  • Thác nước: Trong bản có một dòng thác nước chảy ào ạt, cuộn tung bọt trắng xóa ngày đêm, tô điểm cho ngôi làng này thêm phần nên thơ và ấn tượng. Đây cũng chính là điểm sống ảo quen thuộc của rất nhiều du khách khi đến với Bản Cát Cát.
  • Tổ chim khổng lồ: nằm ngay trung tâm khu du lịch, từ đây bạn sẽ tầm nhìn bao quát cả dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, rất thích hợp để sáng tạo những bức ảnh để đời.
  • Vườn hoa cúc: sát bên tổ chim là vườn hoa cúc nổi bật và rực rỡ nhất là vào tháng 8, lúc đó bạn sẽ có một phông nền chụp ảnh sáng bừng.
  • Cây tơ hồng: nằm giữa vườn hoa cúc là khu vườn nhỏ với một cái cây khẳng khiu, được cột rất nhiều dải lụa đỏ tượng trưng cho sợi tơ hồng.Đây cũng là góc rất lý tưởng để bạn chụp ảnh
  • Chiếc võng bằng vải dệt: được dệt từ chính những sợi vải có sẵn trong làng, chiếc võng màu trắc ngà được mắc vào hai cột trụ làm từ cây thân gỗ – đây là một điểm check-in dễ thương, lãng mạn.
  • Vườn hoa hồng: với mô hình chiếc khèn và gùi – hai vật dụng quen thuộc của người H’Mông được bố trí rất nổi bật ngay giữa khu vườn.
  • Mái nhà gỗ là một nét kiến trúc đặc biết của người dân tộc ở Tây Bắc, mái gỗ mộc mạc trở thành phông nền lý tưởng giữa cảnh trời mây và dãy núi Hoàng Liên Sơn xa xa, tạo nên khung cảnh lãng mạng trong các khung hình.

ĐẶC SẢN, SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG Ở CÁT CÁT 

Rượu ngô

Ở bản Cát Cát, rượu ngô hay còn gọi là nước hạnh phúc là một thức uống vô cùng phổ biến. Ngô được đun sôi trong nước nóng trong thời gian dài khiến các hạt bị vỡ ra, sau đó các hạt này được trộn lẫn với nấm và đem đi lên men. Quá trình lên men này đặc biệt kéo dài trong khoảng 6 ngày là đã có thể sử dụng.

Hầu hết trong các nhà hàng, quán ăn ở Sapa đều phục vụ loại rượu này nên không khó để bạn thưởng thức thức uống đặc trưng của đồng bào nơi đây. Bạn có thể dễ dàng mua rượu ngô tại chợ với giá vô cùng hợp lý, đây sẽ là một món quà lý tưởng bạn có thể dành tặng người thân của mình sau chuyến đi.

Thổ cẩm

Thổ cẩm là sản phẩm được những người thợ lành nghề vùng dân tộc Mông dệt với 4 màu sắc chủ đạo đó là xanh, đỏ, trắng và vàng với rất nhiều hình dáng, hoa văn độc đáo, đầy tính nghệ thuật. Những tấm thổ cẩm bắt mắt hoặc những sản phẩm được chế tác từ vài thổ cẩm như túi xách, mũ, khăn… được bày bán tại chợ, các gian hàng thổ cẩm truyền thống sẽ giúp bạn được mở rộng tầm mắt và thoả sức lựa chọn.

Thịt trâu, thịt lợn gác bếp

Thịt gác bếp là một trong những đặc sản đặc biệt nhất của mảnh đất Sapa. Những miếng thịt trâu, thịt lượn gác bếp với màu nâu sậm hoặc mà nâu đỏ bắt mắt, ngọt mềm với hương vị đặc trưng của thịt và mùi khói bếp sẽ khiến bạn không ngừng xuýt xoa vì độ thơm ngon của nó. Đây là một món nhậu tuyệt vời dành cho bạn và bạn bè của mình khi ghé thăm mảnh đất Sapa.

Các loại trái cây

Mận, đào, lê Sapa chính là những loại trái cây đặc sản của Sapa mà ai cũng biết tới và thưởng thức khi đến Sapa. Những loại trái cây miền núi này tuy không có vẻ bề ngoài bắt mắt, hấp dẫn nhưng chúng lại có chất lượng tuyệt vời, với hương vị giòn ngọt hay thanh mát dễ chịu. 

Vải sợi lanh

Bản Cát Cát nổi tiếng với những nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời, trong đó vải dệt sợi lanh chính là sản phẩm thủ công đặc biệt nhất của đồng bào nơi đây.

Nếu bạn đi qua chợ trung tâm, bạn có thể dễ dàng thấy những tấm vải sợi lanh được những người thợ lành nghề dệt vô cùng đặc sắc, độc đáo với nhiều họa tiết mới lạ. Chúng không chỉ thể hiện tay nghề tuyệt vời mà còn là món quà mang ý nghĩa chứa đựng tâm tình của người dân Tây Bắc dành cho người thân của bạn.

Đồ đan lát ở bản Cát Cát

Đồ đan lát ở bản Cát Cát chính là một điểm nhấn tuyệt vời tạo nên sự đa dạng và đặc sắc của các món nghề truyền thống của vùng núi Tây Bắc. Các sản phẩm đồ đan lát dụng cụ sinh hoạt được tạo nên từ các nghệ nhân tại Bản sẽ khiến du khách vô cùng thích thú và trầm trồ vì sự tinh xảo, khéo léo không hề trộn lẫn của những con người nơi đây đấy.

Cùng HATHANH TOURIST khám phá Sapa và bản Cát Cát để có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt với nhé!

Bài viết liên quan