Khám phá vẻ đẹp Cố đô Hoa Lư – kinh đô đầu tiên của Việt Nam

Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, đây là một trong bốn vũng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, là điểm đến đậm đà giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc.

Ngày nay, Cố đô Hoa Lư mang vẻ trầm mặc của thời gian, nhưng vẫn đầy uy nghi, gợi nhớ về một thuở vàng son của đất nước ta, đánh dấu một thời oai hùng của dân tộc.

co-do-hoa-lư

Tổng thể khu du lịch Cố đô Hoa Lư

Các di chuyển đên Cố đô Hoa Lư

Hoa Lư cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 100km nên du khách thập phương thường lựa chọn di chuyển đến Hà Nội, sau đó tiếp tục đến Ninh Bình bằng ô tô hoặc xe máy nếu muốn trải nghiệm cảm giác của các phượt thủ. Nếu bạn xuất phát từ khu vực các tỉnh miền Trung và miền Nam thì xe khách, tàu hỏa và máy bay chính là phương tiện phù hợp nhất.

Lịch sử và kiến trúc Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư ngàn năm trước là một đế đô nguy nga tráng lệ, là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968…. Cố đô Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn – chỉ 42 năm nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam, gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội (theo Wikipedia).

Cố đô Hoa Lư là một quần thể kiến trúc và mỗi kiến trúc lại mang một nét riêng, tạo nên vẻ cổ kính và hào hùng của di tích lịch sử thời xưa. Các dấu tích lịch sử còn lưu lại tại quần thể di tích rất đa dạng, gồm các kiến trúc tường thành, hoàng thành, hang động, đền chùa, lăng mộ và nhiều loại công trình kiến trúc khác có giá trị lịch sử và văn hóa cao.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã lập ra nước Đại Cồ Việt và đóng đô ở Hoa Lư, đây trở thành trung tâm chính trị, đồng thời là đế đô đầu tiên của nước ta.

Đến thời vua Lý Thái Tổ, ông đã đưa ra quyết định dời dô về Thăng Long vì nhận thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp, khó mở mang thành đô và không phù hợp với vị thế đất nước lúc bấy giờ. Tuy sau này các vua không sinh sống tại đây nữa nhưng Cố đô Hoa Lư vẫn tiếp tục được xây dựng những công trình kiến trúc kiên cố với đền, chùa, đền thờ và được bảo tồn cho đến tận ngày nay.

Đến với Cố đô, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hai di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, hai công trình biểu tượng mang nhiều dấu ấn kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Đền thờ vua Đinh

Đền thờ vua Đinh được xây dựng theo kết cấu “Nội công, ngoại quốc”, một lối kiến trúc thường thấy trong nhiều công trình Việt cổ và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17.

Chính cung đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và 3 hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Đế Toàn và Đinh Hạng Lang. Tòa thiêu hương đền có bài vị thờ 4 vị quan trung thần là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ. Trong nhà Khải Thánh có tượng thờ quốc lão Đinh Công Trứ và thái hậu Đàm Thị là phụ mẫu của Đinh Tiên Hoàng.

Long sàng trước Đền thờ Vua Đinh

Điểm nổi bật nhất ở đền vua Đinh chính là Long sàng ở vị trí Sân rồng, được tạc bằng đá xanh nguyên khối với những nét chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra đền vua Đinh còn được trang trí bởi nhiều hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá… trên các cột gỗ, đá như bức tranh sống động thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân thế kỷ 17.

Đền Vua Lê Đại Hành

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Ðền vua Lê có quy mô nhỏ hơn đền Vua Đinh nhưng có ba toà: Bái đường, Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng – người đã có công giúp Lê Hoàn lên ngôi; Chính cung thờ vua Lê Ðại Hành, bên phải là thờ Lê Ngoạ Triều – con trai vua Lê, bên trái thờ Hoàng hậu Dương Vân Nga.

Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ðền vua Lê còn giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện.

Tại đây đã tìm thấy di tích nền cung điện cũ cùng một số gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng phía trái khu đền. Khu di tích Hoa Lư còn có một số ngôi chùa khá đẹp như: chùa Ngân Xuyên (gần chân núi Mã Yên), chùa Nhất Trụ (cách đền vua Lê khoảng 200m) thu hút được nhiều du khách đến dâng hương, vãn cảnh.

Nằm bên cạnh đền vua Lê Đại Hành và chùa Nhất Trụ, là đền thờ Công chúa Phất Kim – con gái của vua Đinh Tiên Hoàng. Đền là nơi người dân xây dựng để tưởng nhớ công chúa thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng, người đã nhảy xuống giếng tự vẫn chứ không theo chồng phản tặc chống lại vua cha.

Một số lưu ý khi tham quan Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là địa điểm du lịch tâm linh nên khi đến đây tham quan bạn cần phải ăn mặc lịch sự, kín đáo. Đến thăm đền vua Đinh, vua Lê, du khách phải nhẹ nhàng trật tự để giữ gìn sự tôn nghiêm.

Du khách tham quan cần phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của ban quản lý di tích hoặc hướng dẫn viên nếu đi theo đoàn, vứt rác đúng nơi quy định, không được xả rác bừa bãi.

Bạn nên xem trước bản đồ để thuận tiện hơn cho chuyến hành trình khám phá của mình nếu tự túc khám phá Cố đô Hoa Lư.

Không chỉ là đế đô đầu tiên của đất nước ta ngày trước, Cố đô Hoa Lư ngày nay vẫn còn đó những công trình kiến trúc có ý nghĩa to lớn về văn hóa, lịch sử, thể hiện được một thời dân tộc oai hùng. Hãy cùng Hathanhtourist về nơi đây để thăm lại cố đô xưa, sống lại với những giây phút hào hùng của lịch sử dân tộc bạn nhé.

Bài viết tham khảo:

Tour Bái Đính – Tràng An – Hang Mùa 1 ngày

Tour Hoa Lư – Tràng An – Hang Múa 1 ngày

Bài viết liên quan